Với thương hiệu chè nổi tiếng cả nước, từ đầu tháng 11 Âm lịch tới nay, các hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Thái Nguyên đã tất bật sản xuất, cung ứng ra thị trường Tết những sản phẩm chè chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh… để phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Lễ hội “Hương sắc trà xuân – Vùng chè đặc sản Tân Cương” xuân Giáp Thìn năm 2024 vừa được tổ chức mới đây cũng góp phần không nhỏ trong đẩy mạnh kết nối cung – cầu, quảng bá sản phẩm và thúc đẩy phát triển du lịch vùng chè Tân Cương nói riêng, các vùng chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Đứng chân trên vùng lõi của vùng chè đặc sản Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, Hợp tác xã chè Hảo Đạt nổi tiếng với sản phẩm chè Tôm nõn đã được Trung ương đánh giá, xếp hạng là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Từ đầu tháng Chạp tới nay, mỗi ngày Hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 1,8 tới 2,5 tấn chè. Sản lượng chè tiêu thụ dịp tết có thể bằng sản lượng tiêu thụ của 6 tháng trong năm. Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, Hợp tác xã đưa ra thị trường Tết đa dạng dòng sản phẩm trà với chất lượng cao, mẫu mã đẹp, sạch,…với giá thành từ 250.000 đồng tới 3 triệu đồng/ kg.
Để phục vụ chè tết, ngay từ giữa năm 2023, các làng nghề chè, hợp tác xã đã tích cực chăm sóc cây chè vượt qua thời tiết khắc nghiệt, đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường. Tết năm nay, các dòng sản phẩm trà đạt chuẩn OCOP, trà đặc sản cao cấp có mẫu mã đẹp đang được nhiều người lựa chọn.
Lễ hội “Hương sắc trà xuân – Vùng chè đặc sản Tân Cương” được tổ chức thành công vào ngày 11 tháng Giêng (âm lịch) vừa qua đã góp phần không nhỏ trong việc tôn vinh truyền thống văn hóa, lịch sử nghề trồng, sản xuất và chế biến chè của vùng chè đặc sản Tân Cương; giới thiệu, quảng bá Điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn và Vùng chè đặc sản Tân Cương, qua đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các sản phẩm dịch vụ, du lịch cộng đồng gắn với văn hoá Trà và sản phẩm chè Tân Cương.
Hiện nay, diện tích chè Thái Nguyên đạt trên 22.000 ha, giá trị sản phẩm bình quân 1 ha chè đạt 270 triệu đồng. Những năm qua, nghề trồng và chế biến chè đã được chính quyền và người dân Thái Nguyên chú trọng đầu tư đồng bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng VietGap, hữu cơ, gắn mã số vùng trồng,…góp phần đưa sản phẩm ngày càng vươn xa ra thị trường trong nước và thế giới.
B.T