Tin tức

Hành trình chung sức – đồng lòng – vượt bão tố

* Kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2023) 

Đại dịch đã ở phía sau nhưng những khó khăn, suy giảm kinh tế có tác động từ Covid-19 vẫn hiện diện trong lúc này, ngay trước mắt. Là lực lượng bị tác động đầu tiên, hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, đến nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang phải gắng gượng để vượt cơn bão tố cuồng phong. Trong quá trình đó, chính quyền và người dân Thái Nguyên đang chung sức, đồng lòng, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân tỉnh nhà; bởi cũng chính từ trong những thử thách vừa qua, mỗi chúng ta thống nhất chun g về nhận thức rằng: cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân tỉnh nhà chính là trụ cột, bệ đỡ, tạo nên sức mạnh nội tại và cả những giá trị trong tương lai, để kiến tạo một Thái Nguyên: bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện.

70 năm giới công thương đồng hành cùng đất nước; gần 40 năm từ quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, gần 20 năm xã hội có Ngày tôn vinh doanh nghiệp – doanh nhân: một chặng đường đầy tự hào, một quá trình đầy vẻ vang của một lực lượng sản xuất quan trọng nhất trong nền kinh tế. Lần đầu tiên kể từ Đổi mới, vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiệm cận 5 chữ số, dự kiến đạt 1 vạn doanh nghiệp vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Đây là dấu mốc mang tính biểu tượng, là kết quả của quá trình bền bỉ, nỗ lực và tâm huyết của hàng nghìn doanh nhân – doanh nghiệp; đồng thời khẳng định vai trò, những đóng góp của doanh nghiệp đối với KT-XH tỉnh Thái Nguyên. Với quy mô đó, 1 nghị quyết chuyên về của BCH Đảng bộ tỉnh về Kinh tế tư nhân là điều cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ.

¾ chặng đường 2023 đã đi qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, kinh tế – xã hội Thái Nguyên ghi nhận những kết quả khá tích cực và cả những chỉ tiêu giảm do tác động từ suy giảm kinh tế toàn cầu:

Năm 2022 vừa qua, đánh dấu bước phát triển mới của Thái Nguyên; tỉnh ở tiệm cận mức tự chủ về ngân sách, để phấn đấu từ năm 2023, tự chủ và có điều tiết về ngân sách Trung ương. Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc, với 10,57 tỷ USD tổng vốn đăng ký, số dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, số dự án tăng vốn tiếp tục gia tăng. Môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện. Chỉ số PCI tăng 3 bậc, xếp vị trí thứ 25 cả nước; chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương DDCI đã đưa không khí cải cách tiếp tục lan rộng.

Lạm phát và một số yếu tố vĩ mô được giữ ở mức ổn định, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế qua 9 tháng có dấu hiệu chậm lại, thu ngân sách cố gắng hoàn thành mục tiêu, giá trị sản xuất công nghiệp có tăng trưởng, bắt đầu khởi sắc hơn từ tháng 9, dự kiến quý IV có sự đột phá do 1 số dòng thuế sản phẩm xuất khẩu sang EU giảm; tuy nhiên, hiện nay giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giảm từ 15-20% so với cùng kỳ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cộng đồng Doanh nghiệp – doanh nhân là những người hiểu, cảm nhận rõ nhất các tác động của suy thoái kinh tế. Con số sụt giảm doanh thu từ 25-30% được nhiều doanh nhân nhắc đến tại các diễn đàn, hội nghị là minh chứng cho điều đó. Doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp; giá cả nguyên vật liệu đầu vào còn ở mức cao, biến động mạnh; nguồn cung điện thiếu hụt. Nhiều ngành nghề đang chật vật tìm hướng phát triển: như ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 18%. Các doanh nghiệp phụ trợ cũng giảm từ 5-10%, một số DN nhỏ đã hết đơn hàng từ tháng 7. Nhiều doanh nghiệp khác giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Thiếu hụt dòng tiền, thiếu sự đồng hành của hệ thống ngân hàng khi gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp, giá trị tài sản bảo đảm giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản… Các DN sản xuất sắt thép, xi măng, khai khoáng… giảm sâu; đáng chú ý, một số lĩnh vực như xây dựng, chế biến gỗ hiện có khoảng trên 50% doanh nghiệp trong tình trạng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Thị trường bất động sản đóng băng kéo theo hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều ngành bị ảnh hưởng. Chèo lái con thuyền doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại là thách thức lớn đối với doanh nhân. Trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Thái Nguyên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành, hết lòng từ người dân và chính quyền. Sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền, cùng sự  đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân từng bước vượt khó khăn.

Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Thái Nguyên một mặt tăng cường các hoạt động trợ giúp, đồng hành cùng doanh nghiệp. Mặt khác, quan tâm đẩy mạnh hàng loạt các giải pháp, nhằm kiến tạo các nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới, trợ giúp doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách và tầm nhìn.

Ngày 11/5/2023, thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư; triển khai các giải pháp tiêu thụ nông sản, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ngày 13/4/2023, thành lập tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 cả nước được Chính phủ thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với bản đồ án quy hoạch tổng thể tỉnh Thái Nguyên, một giai đoạn phát triển mới được định hình về mặt chiến lược, định hình các không gian phát triển mới về công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và các ngành kinh tế; phương hướng phát triển toàn diện các lĩnh vực của địa phương. Với cộng đồng doanh nghiệp, đây là cơ hội mở rộng không gian kinh tế, phát triển. Ngày sau khi Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, công khai và triển khai quy hoạch một cách sâu rộng, tới nhiều đối tượng, qua nhiều hội nghị, hội thảo.

Vân Ngọc