Tin tức

DDCI THÁI NGUYÊN: KHÁT VỌNG TỪ TẦM NHÌN ĐẾN HÀNH ĐỘNG

Được triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ khoá XX của Đảng bộ tỉnh, qua 3 năm, khảo sát năng lực cạnh tranh các sở ban ngành và địa phương – chỉ số DDCI Thái Nguyên đã mang đến những bước tiến dài trong công tác điều hành và hoạt động ở các cấp chính quyền; góp phần “chuyển đổi tư duy, hành động số” trong quá trình xây dựng bình yên, sung túc, hạnh phúc và phát triển cho mọi người dân

Sứ mệnh DDCI

Một thời gian dài, trải qua nhiều nhiệm kỳ, tỉnh Thái Nguyên luôn dành sự quan tâm đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, chia sẻ cơ hội phát triển trong một không gian kinh tế ngày càng năng động, hiệu quả. Công cụ để đưa ra những đánh giá đó, mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2010-2020 là chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI

Nếu như Chỉ số PCI cho ra bức tranh của năng lực cạnh tranh quốc gia – trong đó là thứ hạng của 63 địa phương trên cả nước; thì tương đồng, DDCI là bộ chỉ số ở cấp độ mỗi tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, khác với tiêu chí chỉ số PCI đánh giá theo khu vực địa lý, chỉ số DDCI còn là công cụ đánh giá các sở, ban, ngành.

Tuy không phải là địa phương đi đầu hay triển khai sớm bộ chỉ số DDCI, nhưung Thái Nguyên đã nhanh chóng gắn chỉ số DDCI vào thực tiễn đời sống, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị và yêu cầu đặt ra rõ ràng: thực hiện DDCI để góp phần cải thiện chỉ só PCI và sau cùng, quan trọng nhất, tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng năng động, cạnh cạnh, mang lại giá trị cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên lần đầu tiên công bố chỉ số DDCI năm 2021. Thực tiễn 10 năm tiến hành đánh giá chỉ số PCI đã trang bị cho các địa phương và các sở ban ngành nhiều kinh nghiệm thực tiễn; song song với đó là không khí sôi động của quá trình Chuyển đổi số, DDCI đã tạo ra những tiền đề thuận lợi để rất nhanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương DDCI trở thành 1 tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Theo dữ liệu của iDEC (Viện Công nghệ Truyền thông và kinh tế số- đơn vị tham gia khảo sát): chỉ 1 tháng sau khi thông báo triển khai DDCI, 70% các sở ban ngành và các địa phương đã ban hành kế hoạch hành động, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh ở đơn vị, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, theo một khảo sát độc lập khác năm 2023: thực hiện cải thiện chỉ số PCI và DDCI là 1 tiêu chí đánh giá thi đua, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân vẫn chưa thực sự diễn ra trên thực tế nhưng “tư duy”, hành động và trách nhiệm thực thi cải thiện môi trường kinh doanh đã được nâng lên rõ rệt. Rà soát lại trình tự giải quyết các thủ tục hành chính để có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN; làm tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ theo hướng nâng cao chất lượng giải quyết công việc; nắm bắt lại toàn bộ các quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân tích cực ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án. Cấp uỷ ban hành chỉ thị, nghị quyết chuyên đề nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số DDCI của huyện và định kỳ hằng tháng, hằng quý, đều có báo cáo đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết… đã diễn ra ở 9/9 huyện, thành phố của tỉnh.

Cộng đồng Doanh nghiệp – đối tác cùng phát triển

Năng lực cạnh tranh quốc gia được xây dựng từ môi trường kinh doanh hấp dẫn của từng tỉnh, thành phố. Tại Thái Nguyên, cộng đồng doanh nghiệp coi việc tham gia đánh giá chí số PCI, DDCI là trách nhiệm đối với sự phát triển chung của tỉnh, vì cộng đồng và chính lợi ích doanh nghiệp mình

Từ năm 2012 đến năm, hàng nghìn doanh nghiệp Thái Nguyên đã tham gia đánh giá PCI; từ năm 2021 đến nay, cũng hàng nghìn lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát DDCI – một chỉ số PCI ở cấp độ nhỏ hơn, đánh giá từng sở, ngành, chính quyền cấp huyện của tỉnh. Các doanh nghiệp coi phiếu khảo sát là cơ hội để đưa ra những đánh giá thực chất, dựa trên chính các trải nghiệm thực tế khi tiếp xúc với các sở ngành, chính quyền các huyện, thành phố

Là địa phương đầu tàu phát triển công nghiệp, hạt nhân phát triển trong không gian kinh tế phía nam của tỉnh đang phát triển năng động, “Phổ Yên xác định những cải cách cụ thể, đồng hành và sẵn sàng lắng nghe, giải quyết dứt điểm vướng mắc của từng doanh nghiệp, cam kết hỗ trợ, giải quyết trong thời gian ngắn nhất, ít hơn so với quy định”- lãnh đạo thành phố Phổ Yên đã nhiều lần khẳng định như vậy trước cộng đồng đầu tư kinh doanh

Chia sẻ với ddci.thainguyen.vn, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết: Trước khi ghi phiếu đánh giá về một sở ngành hay một địa phương, doanh nghiệp của tôi tổ chức họp, nhằm tập hợp ý kiến của cán bộ công ty, trong năm vừa qua đã có những công việc liên quan đến những chỗ nào, sở ngành nào, thành phố hay huyện nào, trải nghiệm đó ra sao, tốt hay không tốt; thống nhất ý kiến rồi mới đánh giá. Để làm sao đó, đánh giá của mình là khách quan, thực chất.

Ông Nguyễn Văn Thắng, PCT Thứ nhất Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho rằng: chúng tôi nhận thấy, các cơ quan đều xây dựng kế hoạch chi tiết, giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư. Tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn được nhìn thấy rõ. Không dừng lại ở đó, UBND tỉnh đưa chỉ số DDCI, PCI trở thành 1 tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan và cá nhân người đứng đầu. Cộng đồng doanh nghiệp thực sự đã cảm nhận những thay đổi, ngày càng thực chất hơn. Cấp ủy, chính quyền các địa phương coi cải thiện chỉ số PCI, DDCI là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu – đó là tín hiệu quan trọng, là mục đích sau cùng của mọi cuộc đánh giá, để qua đó, cộng đồng doanh nghiệp có thêm động lực phát triển.

Bên cạnh phong trào tự thiện, an sinh xã hội, tham gia đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh khi nhận được phiếu khảo sát đã hình thành phong trào sôi nổi, thể hiện trách nhiệm xã hội trong đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Thái Nguyên.

Chặng đường phía trước

Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Thái Nguyên được giao tự cân đối ngân sách địa phương, đồng thời điều tiết 4% đối với các khoản thu phân chia theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) về ngân sách Trung ương, trở thành địa phương thứ 16 trong toàn quốc có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương. Đây là dấu mốc quan trọng và là kết quả có phần đóng góp không nhỏ từ môi trường kinh doanh năng động, thân thiện và hiệu quả đến vào năm giữa nhiệm kỳ.

Trên bảng xếp hạng PCI, năm 2021 Thái Nguyên xếp hạng thứ 28. Năm 2022 tăng 3 bậc, xếp thứ 25/63 địa phương cả nước và tiếp tục cải thiện thứ hạng, xếp hạng 23 năm 2023.

Thành quả phát triển kinh tế bền vững đến từ môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, năng lực cạnh tranh ngày càng minh bạch, thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, thuận lợi sẽ hình thành lực hấp dẫn với các nhà đầu tư khác đang chuẩn bị đầu tư các dự án. Đó là con đường, là phương châm tỉnh Thái Nguyên đã luôn thống nhất duy trì trong những năm vừa qua.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, xu thế chuyển đổi số gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; luôn cải thiện để hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn là cam kết của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân Thái Nguyên cho tương lai bền vững, thịnh vượng.

 

Vân Ngọc