Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) là hoạt động quan trọng và ý nghĩa nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng tham mưu, điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực; tạo kênh thông tin tin cậy, minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến khách quan, hiệu quả, xây dựng và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế – xã hội của chính quyền địa phương và của các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Với ý nghĩa quan trọng đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Dự thảo kế hoạch triển khai khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2023. Theo đó, yêu cầu đặt ra là công tác công tác triển khai việc đánh giá phải đảm bảo nghiêm túc, khách quan. Kết quả đánh giá phải được tổng hợp, phân tích mang tính khoa học và đánh giá một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, có trách nhiệm và đảm bảo quy định. Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực những vẫn đề đang được doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện TTHC; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Số lượng mẫu khảo sát phải đảm bảo độ tin cậy, khoa học. Thông tin khảo sát từ doanh nghiệp phải tuyệt đối được giữ bí mật để bảo đảm cho doanh nghiệp trả lời chính xác, khách quan với thực tiễn. Việc tuyển chọn nhà thầu phải khách quan, độc lập; nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả DDCI tỉnh Thái Nguyên năm 2023.
Theo kế hoạch, đối tượng khảo sát đánh giá được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm 23 sở, ban, ngành gồm: Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Tài Nguyên và Môi trường; Sở Công Thương; Sở Giao thông – Vận tải; Ban Quản lý các khu công nghiệp; Thanh tra tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tư pháp; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên; Bảo hiểm Xã hội tỉnh; Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên; Chi cục Hải quan Thái Nguyên. Nhóm 2 gồm 9 huyện, thành phố của tỉnh.
Về phạm vi khảo sát là doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và có tương tác hoặc sử dụng các dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2023 đến 31/12/2023 đồng thời phản ánh qua phát sinh giao dịch tại cơ quan thuế. Số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát, đánh giá dự kiến khoảng 1.500 doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 500 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương (mỗi doanh nghiệp chỉ đánh giá 01 địa phương nơi đặt trụ sở chính hoặc địa phương nơi doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian khảo sát); khoảng 1.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành. Số phiếu khảo sát dự kiến phát ra là 2.500 phiếu. Phương pháp điều tra, khảo sát kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp, hiệu quả gồm: Khảo sát phỏng vấn trực tiếp (25% số phiếu phát ra) tại doanh nghiệp (hoặc Trung tâm phục vụ hành chính công/Bộ phận một của cấp huyện, thành phố) nhằm xác thực thông tin và kiểm tra chất lượng. Khảo sát bằng thư tín, khảo sát qua điện thoại, trực tuyến (75% tổng số phiếu phát ra), trong đó chủ yếu là khảo sát bằng thư tín qua đường bưu điện.
Đối với nội dung khảo sát, sẽ tập trung vào 9 chỉ số thành phần DDCI năm 2023, gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ kinh doanh; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Vai trò người đứng đầu; Mức độ chuyển đổi số; riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm chỉ số tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Phiếu khảo sát sẽ được tính toán hợp lý nhằm cụ thể hóa các tiêu chí, đối tượng được đánh giá, đồng thời thể hiện được các nội dung chủ yếu mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ DDCI trong năm 2023 của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ phối hợp và hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổng hợp toàn bộ dữ liệu, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã thực hiện thủ tục hành chính hoặc dịch vụ công trong thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2023. Đồng thời, thành lập Tổ công tác DDCI tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Thái Nguyên năm 2023; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá và công bố kết quả DDCI tại tỉnh Thái Nguyên năm 2023.
Kết quả khảo sát DDCI năm 2023 sẽ làm cơ sở để nghiên cứu đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Trên cơ sở Dự thảo kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên để trình lên UBND tỉnh xem xét, ban hành Kế hoạch triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Thái Nguyên năm 2023.
Chi tiết: Xem tại đây