*Doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Di tích là góp phần xây dựng Thái Nguyên giầu mạnh
Giữa thế kỷ thứ VI, một dấu mốc đột phá trong lịch sử chống giặc phương Bắc đô hộ của nhân dân ta, được tạo thành bởi một người hào kiệt quê ở thôn Cổ Pháp xã Tiên Phong, T.P Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Người Anh hùng dân tộc, đứng lên dựng cờ khởi nghã đánh đuổi giặc Lương phương Bắc, sáng lập nước Vạn Xuân, đó là Lý Bí (Lý Bôn) – Lý Nam Đế. Mảnh đất Phổ Yên, quê hương của Đức vua Lý Nam Đế, cũng là một trong những “Hậu phương chiến lược”, cung cấp lương thực và lực lượng cho nghĩa quân, góp sức làm nên sự nghiệp Vạn Xuân đã được các cấp có thẩm quyền công nhận và cho phép đầu tư xây dựng thành Khu di tích lịch sử Lý Nam Đế bao gồm: Đền Mục; chùa Hương Ấp; chùa Mãn Tăng… Ngoài ra còn có một số địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của Lý Bí như: Cánh đồng Tráng, bãi Quần Ngựa, đồi Cao Vương… Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Đền Mục và chùa Hương Ấp là Di tích lịch sử cấp Quốc gia; năm 2016, chùa Mãn Tăng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Chùa Hương Ấp. Ảnh: Internet
Ngược dòng lịch sử, theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi: “Giáp Tý, Thiên Đức năm thứ 1 (tức năm 544)… Mùa Xuân, tháng Giêng vua nhân đánh được giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi đổi niên hiệu, đặt trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, là ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy”, để ghi nhận ý nghĩa to lớn của Cuộc khởi nghĩa Lý Bí, thành lập Nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong khoảng thời gian dài gần 15 thế kỷ, phần về quê hương đức vua Lý Nam Đế từng là để tài bỏ ngỏ… Cho đến năm 2012, cuộc hội thảo về quê hương Lý Nam Đế, với sự tham gia của các nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử uy tín của đất nước đã xác minh quê hương Lý Nam Đế dựa trên những luận cứ khoa học nghiêm túc và cẩn trọng. Báo cáo đề dẫn của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, phần nêu về vấn đề xác định quê hương của Vua Lý Nam Đế có đoạn: “Hầu hết các bản tham luận đã dựa trên cơ sở tư liệu điền dã thực địa ở các vùng: Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, kết hợp với tư liệu thần tích, thần sắc, thần phả, truyền thuyết… còn lưu giữ để đi tới nhận định: Vua Lý Nam Đế có quê gốc là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện (Thành phố) Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ngày nay”. Từ các cứ liệu và huyền sử : Khi cậu bé Lý Bí được 5 tuổi thì bố mất, lúc 7 tuổi mẹ qua đời, Lý Bí được Pháp Tổ thiền sư đưa vào chùa Hương Ấp, ở thôn Cổ Pháp để nuôi dưỡng. Năm 13 tuổi, Lý Bí theo Pháp Tổ thiền sư về chùa Linh Bảo, làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, T.P Hà Nội tiếp tục tu luyện đạo pháp. Vốn thông minh sáng dạ, lại được vị thiền sư dày công chỉ bảo, đèn sách chuyên cần, Lý Bí sớm nổi danh là người tài đức, học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ song toàn, ông được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. Năm 542, Lý Bí đã liên kết các hào kiệt, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương. Để rồi đến năm 544, nhằm tiết trời Xuân tháng Giêng năm Giáp Tý, ông lên ngôi, lập nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu là Thiên Đức, trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta: Lý Nam Đế. Ông cho dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ; Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban Văn, Phạm Tu đứng đầu ban Võ. Đến giữa năm 545, nhà Lương cho quân xâm lấn nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế và quan quân đã kiên cường chống giặc, vừa đánh, vừa phòng thủ củng cố lực lượng… Năm 548, Lý Nam Đế qua đời. Ông ở ngôi được 5 năm (544 – 548), thọ 46 tuổi. Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước của vùng đất Hà Nội cổ. Mảnh đất Phổ Yên, quê hương của đức vua Lý Nam Đế, cũng là một trong những “Hậu phương chiến lược”, cung cấp lương thực và lực lượng cho nghĩa quân, góp sức làm nên sự nghiệp Vạn Xuân. Khu di tích lịch sử Lý Nam Đế bao gồm: Đền Mục; chùa Hương Ấp; chùa Mãn Tăng… Ngoài ra còn có một số địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của ông như: Cánh đồng Tráng, bãi Quần Ngựa, đồi Cao Vương… Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Đền Mục và chùa Hương Ấp là Di tích lịch sử cấp Quốc gia; năm 2016, chùa Mãn Tăng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Trong các mục tiêu xây dựng một đô thị phát triển, thành phố động lực của tỉnh Thái Nguyên và đất nước, Phổ Yên đặc biệt quan tâm, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử – văn hóa. Ngày 9-5-2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 1228 về việc phê chuẩn “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong, TP Phổ Yên”. Theo đó, Khu di tích được quy hoạch tổng thể với diện tích 54,06ha, được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2030. Trong đó, đền Mục được chọn làm trung tâm, điểm nhấn của Khu di tích với diện tích 44ha, các điểm di tích còn lại là chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng. Ngoài các hạng mục chính, còn có các hạng mục chức năng khác như: Tượng đài Lý Nam Đế, khu công viên cảnh quan sinh thái, khu dịch vụ, vườn hoa, hồ cảnh quan… Theo đề xuất của địa phương, giai đoạn 1 của Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025, với tổng mức đầu tư trên 262 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố Phổ Yên và các nguồn huy động hợp pháp khác…
Nhắc đến đức vua Lý Nam Đế, thêm khắc sâu niềm tự hào về một danh nhân người Thái Nguyên, được yêu kính tôn thờ khắp cả vùng. Công lao của ông còn lưu danh sử sách muôn đời và khẳng định trong đôi câu đối:
Thiên đức hồng cơ long tỉnh Bắc
Vạn Xuân cung quyết phượng thành Đông.
(Vâng chịu mệnh trời, cơ nghiệp lớn, Rồng bay lên từ tỉnh Bắc
Dựng nước Vạn Xuân, cung điện nay, lầu phượng còn ở thành Đông).
Cách đây 15 thế kỷ, Lý Nam Đế đã thành tạo dấu mốc nền độc lập Vận Xuân, rạng danh cốt cách, trí tuệ và nhân phẩm hào kiệt Đại Việt. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt, công việc chuẩn bị cho Lễ khởi công Di tích Lý Nam Đế đến thời điểm này đã hoàn tất. Theo đồng chí Bùi Văn Lương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP phố Phổ Yên, lễ khởi công sẽ diễn ra vào ngày 2/11/2023, nhằm ngày 19-9 Tân Mão và nhấn mạnh: Khu di tích sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên; có tầm cỡ quốc gia, phát huy được tối đa giá trị lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự tôn dân tộc…
Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế, phường Tiên Phong, thị xã Phổ Yên (nay là TP. Phổ Yên), tỉnh Thái Nguyên
Chúng tôi được biết: Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ đồng hành cùng với TP Phổ Yên, hỗ trợ về kiến trúc, mỹ thuật để xây dựng khu di tích mang giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam… Di tích đang rất cần có thêm nguồn lực xã hội, tài trợ từ các doanh nghiệp, doanh nhân, xây dựng các công trình trong khu di tích… Để Di tích quê hương Hoàng Đế nước Vạn Xuân – Lý Bí tương xứng tầm vóc lịch sử và tô đẹp thêm cho thành phố trẻ Phổ Yên./.
MBEC