Phối cảnh Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1
Số lượng gần 4.000 doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ đang hoạt động trên địa bàn (chiếm gần 40% tổng số DN toàn tỉnh hiện nay) cho thấy TP. Thái Nguyên là địa phương có “sức hút”. Để có được kết quả này, thời gian qua, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác thu hút đầu tư, luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thời gian trước, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những nguyên nhân khiến Cụm công nghiệp (CCN) Sơn Cẩm 1 (TP. Thái Nguyên) gặp nhiều khó khăn khi nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng; kéo theo đó là giảm “sức hút” đối với các nhà đầu tư thứ cấp của CCN này. Trước thực tế đó, TP. Thái Nguyên đã tổ chức nhiều cuộc họp, tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB, bàn giao đất cho nhà đầu tư.
Ông Hà Văn Giang, Giám đốc dự án Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG – chủ đầu tư CCN Sơn Cẩm 1, cho biết: CCN Sơn Cẩm 1 được tỉnh chấp thuận nhà đầu tư từ năm 2018. Từ trước đến nay, Công ty luôn được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai, đặc biệt là sự hỗ trợ, đồng hành của TP. Thái Nguyên. Với tổng diện tích CCN Sơn Cẩm 1 là trên 70ha, đến nay thành phố đã GPMB và bàn giao được trên 60ha. Mới đây, thành phố cũng đã GPMB khu tái định cư để bố trí chỗ ở cho các hộ dân còn lại, từ đó chúng tôi tiếp tục triển khai Dự án theo kế hoạch để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp.
Quyết liệt trong công tác bồi thường GPMB là một trong những giải pháp trọng tâm được TP. Thái Nguyên triển khai thực hiện tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn. Chỉ tính trong năm 2023, TP. Thái Nguyên đã thu hồi trên 24ha đất các loại, chi trả gần 500 tỷ đồng tiền bồi thường cho 411 hộ gia đình, cá nhân để thực hiện 49 dự án.
Ngoài ra, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp cung cấp thông tin về quy hoạch cho các DN, tổ chức đầu tư. Trong quý I/2024, thành phố đã thẩm định 10 quy hoạch chi tiết, 6 quy hoạch chung các dự án của nhà đầu tư; giới thiệu địa điểm, cung cấp thông tin về quy hoạch cho khoảng 250 cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Để thu hút đầu tư, thời gian qua, TP. Thái Nguyên cũng đặc biệt chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo sự đồng bộ trong hệ thống giao thông đô thị. Năm 2023, từ nguồn vốn ngân sách, TP. Thái Nguyên đã đầu tư trên 730 tỷ đồng triển khai một số dự án, như: Cầu vượt đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên; xây dựng đường Thanh niên xung phong và hạ tầng khu dân cư 2 bên đường; xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên; Cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu…
Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng 9 hạng mục công trình, với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng (nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới); tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 25km, tổng mức đầu tư trên 94 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho DN, thành phố cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường giải quyết dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm thời gian, chi phí, tăng tính công khai, minh bạch. Đến nay, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến của thành phố đạt 76,5%; trong đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt 96,9%. Thành phố thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh cho các DN trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện các DN vào cuối tháng 3 vừa qua, đồng chí Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Dương Văn Lượng khẳng định, DN có mạnh thì kinh tế thành phố mới phát triển; DN được coi như “xương sống”, trợ lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Do vậy, TP. Thái Nguyên sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ để DN phát triển…
Với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố nên thời gian qua, các DN trên địa bàn đã không ngừng lớn mạnh, có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung. Năm 2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Thái Nguyên đạt trên 81.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 1.300 tỷ đồng.