Tin tức

TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN MỚI CHO VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI PHÍA BẮC

Quy hoạch vùng Trung du miền núi phía bắc được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, hiện nay đã có 17 quy hoạch ngành quốc gia và 08/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với cách tiếp cận phù hợp và khoa học, quy hoạch vùng Trung du miền núi phía bắc đã phân tích các vấn đề một cách sâu sắc, cụ thể trên cơ sở các quy hoạch cấp trên và Nghị quyết, đồng thời nhận diện các chiến lược lớn cấp vùng, tích hợp các quy hoạch cấp tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ hai Hội đồng điều phối vùng Trung du miền núi phía bắc vừa được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT đã nhấn mạnh: Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là “phên dậu”, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít. Quy hoạch vùng Trung du miền núi phía bắc chính là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.

Là 1 trong số 14 tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía bắc, Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Thái Nguyên nhận thức rõ ràng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng Trung du miền núi phía bắc; đặc biệt tỉnh xác định tầm quan trọng về hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là về hạ tầng giao thông để tập trung quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng Trung du miền núi phía bắc và giữa vùng Trung du miền núi phía bắc với cả nước và quốc tế.

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc được nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới với 6 nội dung trọng tâm. Quy hoạch đã làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 4 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế, 3 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng.

B.T