Tin tức

NỘI LỰC CỘNG NGỌAI LỰC BẰNG ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG

Xét từ nhiều mặt,các chuyên gia kinh tế đều cho rằng: Huy tối đa nội lực,khai thác hiệu quả ngoại lực để kiến tạo động lực tăng trưởng, hướng tới phục hồi và phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Quan sát hoạt động kinh tế của cả nước, của Thái Nguyên năm 2023, chúng tôi thấy như vậy.

Trên cơ sở những thông tin kinh tế được tổng hợp,phân tích, đánh giá  kết quả cũng như những tồn tại, cơ hội và thách thức năm 2023, chúng ta thấy rằng: Bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố ngoại lực rồi kiến tạo thành các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh và khả năng bứt phá ngay trong từng doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Ở tầm vĩ mô, tức là nhìn rộng ra cả nước, năm 2023, xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, các dự án FDI có quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, tác động mạnh tới xuất khẩu, việc làm, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước là việc đang thực hiện khá tốt. Qua thực tiễn, người ta đang nói nhiều đến các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế mà theo đó có mấy nội dung quan trọng: Thúc đẩy liên kết vùng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa, đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam, năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế… là xu thế tất yếu.

Lấy ví dụ: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam là động lực và có tính lan tỏa cao. Theo Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì: Tăng cường và phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn là kim chỉ nam mới. Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết, tạo thế “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài là cần thiết hơn bao giờ hết. Cũng ở tầm vĩ mô, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang được xây dựng trên 03 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số (thông qua số hóa và ứng dụng số hóa kết hợp với nền tảng số) và xã hội số. Với việc hình thành “công dân số” thông qua việc kiến tạo dữ liệu cá nhân, định danh, xác định danh tính, cho phép các công dân kết nối thành một xã hội mạng lưới, từ đó hình thành nên những nền tảng thị trường mới. Quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (bao gồm cả cơ chế thử nghiệm), vừa tận dụng cơ hội, vừa hỗ trợ vượt qua khó khăn, thách thức. Vấn đề nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, thị trường và đối tác mới; Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài của Bộ kế hoạch và Đầu tư, chỉ mới tính đến 20-10-2023,vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã là 25,76 tỷ USD,tăng 14,7% so cùng kỳ và giải ngân cũng đã đạt trên 18 tỷ USD. Từ con số 2 triệu USD vào những năm đầu đổi mới,đến thời điểm cuối năm 2023, Việt Nam đã thu hút khoảng 600 tỷ USD vốn đăng ký FDI. Đến hết năm 2023, gần 40.000 dự án đang hoạt động. Người ta điểm lại có 3 làn sóng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản là ba nước đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Mỹ nằm ngoài top 10. Sau sự kiện Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao thành đối tác chiến lược toàn diện đầu tháng 9 năm 2023, truyền thông quốc tế kỳ vọng Việt Nam có thể đón làn sóng FDI thứ 4 với dòng vốn chủ đạo từ nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ. Trong ba động lực của tăng trưởng kinh tế gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, FDI đang dẫn dắt hoàn toàn yếu tố cuối cùng… Trong 8 mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất đạt doanh số trên 10 tỷ USD vào năm 2022, khu vực FDI chiếm vị thế chi phối trên 50% thị phần, doanh nghiệp FDI nắm 98-99% giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghệ cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại, linh kiện.

Nội lực có vị trí quan trọng. Để nâng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế, Việt Nam đang thúc đẩy việc phát huy nội lực của kinh tế trong nước, xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045, củng cố tiềm lực khoa học và công nghệ trên cơ sở làm chủ công nghệ hiện đại, công nghệ lõi và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường hội nhập quốc tế đi đôi với bảo vệ thị trường trong nước và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả…

Tôi xin được trở lại với Thái Nguyên – Một địa phương đang có những bứt phá trong hoạt động kinh tế và nói hình ảnh: NỘI LỰC CỘNG NGOẠI LỰC BẰNG ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG là công thức chuẩn. Viện dẫn về một doanh nghiệp phát triển từ nội lực, có sự hỗ trợ ngoại lực để minh chứng. Đó là Công ty cổ phần đầu tư và Thương mại TNG, nơi đang có gần 20 nghìn lao động làm hàng may mặc xuất khẩu.khó khăn như năm 2023, doanh thu vẫn đạt 7.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch. 98% doanh thu từ hàng xuất khẩu. Khách hàng bền vững là Mỹ (40%), EU (40%), còn lại là Nga, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc… Thu hút ngoại lực thông qua đầu tư nước ngoài là điểm nhấn quan trọng của tỉnh Thái Nguyên. Nhà máy điện tử Samsung và hàng loạt nhà máy công nghệ cao và tiên tiến tạo động lực mới cho tỉnh. Nội lực sẵn có và được đào tạo bài bản đã cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên địa bàn. Con số 20.196 tỷ thu ngân sách năm 2023 –  năm đầu thực hiện tự chủ tài chính có sự đóng góp lớn của doanh nghiệp nước ngoài… Cộng hưởng mọi nỗ lực đã làm nên tốc độ tăng trưởng năm 2023 trên 5%.

Nội lực cộng với ngoại lực, có sự tham gia của nền tảng công nghệ hiện đại đã và sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ./.

Hữu Minh

(Viện Công nghệ Truyền thông và Kinh tế số

– Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam)