Tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới được xác định là công trình giao thông chiến lược, giữ vai trò là trục động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Sau thời gian đưa vào vận hành, tuyến đường đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc kết nối giao thương, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc này theo đúng quy hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại.
Sự chủ động vào cuộc của tỉnh Thái Nguyên, cùng với sự đồng thuận từ các bộ, ngành trung ương, chính quyền các địa phương liên quan và nhà đầu tư, đang mở ra triển vọng khả thi để dự án được hiện thực hóa, phát huy trọn vẹn vai trò chiến lược trong phát triển vùng.
Tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới là một phần quan trọng của cao tốc CT.07 theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia. Dù đã vận hành nhiều năm, đoạn Hà Nội – Thái Nguyên (62,4km) vẫn mới chỉ khai thác 4 làn xe thay vì 6 làn theo thiết kế; đoạn Thái Nguyên – Chợ Mới (41,3km) chỉ có 2 làn, chưa đạt chuẩn cao tốc, gây áp lực lớn cho lưu thông và làm giảm hiệu quả đầu tư.
Lưu lượng phương tiện tăng nhanh (25.000–45.000 xe/ngày đêm), trong khi mặt đường xuống cấp, làn dừng khẩn cấp hẹp và thường xuyên ùn tắc. Đây là “nút nghẽn hạ tầng” cần được tháo gỡ khẩn trương nhằm đảm bảo an toàn giao thông và giảm chi phí vận tải.
Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư hoàn chỉnh tuyến theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Dự án gồm hai đoạn:
- Hà Nội – Tân Long (61,2km): mở rộng lên 6 làn xe, tốc độ 100km/h.
- Tân Long – Thanh Bình (Chợ Mới, 39,49km): đầu tư 4 làn xe, tốc độ tương tự.
Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 16.789 tỷ đồng, trong đó 5.363 tỷ từ ngân sách, còn lại do nhà đầu tư huy động (hợp đồng BOT). Người dân vẫn có thể lựa chọn tuyến Quốc lộ 3 không thu phí song song.
Tỉnh Thái Nguyên được giao làm cơ quan chủ quản, thể hiện tinh thần phân cấp và chủ động cao. Tỉnh đã chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, rà soát kỹ thuật và sẵn sàng về năng lực giải phóng mặt bằng, đối ứng vốn.
Việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc không chỉ nâng cấp hạ tầng giao thông mà còn tạo cú hích lớn cho phát triển công nghiệp, logistics, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống người dân vùng trung du, miền núi phía Bắc. Dự án là minh chứng cho nỗ lực phát triển hạ tầng chiến lược, khai thác hiệu quả nguồn lực tư nhân và cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng.